Friday, December 14, 2007

CƯƠNG QUYẾT ÐÁNH BẠI QUÂN XÂM LƯỢC

Tháng Giêng năm 1974, tuy đang lâm vào hoàn cảnh
ngặc nghèo nhưng Quân Dân VNCH vẫn anh dũng chống lại quân xâm lăng Trung cộng. Còn bây giờ, Sinh viên học sinh hai thành phố lớn nhất nước VN, đã tự phát biểu tình ngày 09-12-2007 trước Sứ Quán Hà nội và Tổng Lãnh Sự của họ ở Sài gòn , nhưng chính quyền VN, từ trung ương tới địa phương, đều im hơi lặn tiếng và không có một hành động tích cực nào!Có phải các người thuộc dòng Hán tộc chăng? Hay là các người SỢ mất cái ghế hay là SỢ mất chổ đội nón bảo hiềm........ ? Nếu không kịp thời giác ngộ để làm tròn bổn phận thì mai đây, khi ÐẤT NƯỚC được Dân Chủ Tự Do thì đừng có trách DÂN tại sao hỏi tội các người đấy nhé!

Trang Thanh Phong.


Một bước đầu xin chuộc tội


Thursday, December 13, 2007
Ngô Nhân Dụng

Trong Bình Ngô Ðại Cáo do Nguyễn Trãi viết (Lê Thái Tổ ban bố, 1428) có câu “Vân Nam binh vị ngã quân sở ách ư Lê Hoa.” Bản dịch quen thuộc trong Việt Nam Sử Lược viết, “Binh Vân Nam nghẽn ở Lê Hoa” - tiếp, “sợ mà mất mật; Quân Mộc Thạnh tan chưng Cần Trạm, chạy để thoát thân!”
Lê Hoa là cửa ải thuộc nước ta vào thế kỷ 15. Ðại Việt Thông Sử của Lê Quý Ðôn chép, khi nhà Minh sai Mộc Thạnh đem quân từ Vân Nam sang tiếp viện cho quân Trung Quốc bị vây ở Ðông Quan (Hà Nội) thì Bình Ðịnh Vương Lê Lợi điều động Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả đem quân lên Ải Lê Hoa ngăn chặn. Sau khi Liễu Thăng chết ở Chi Lăng, quân Mộc Thạnh tự rút, bị quân ta đuổi đánh tan tác ở Lê Hoa.
Có ai biết Ải Lê Hoa hiện nay ở đâu? Nếu coi bản đồ Trung Quốc bây giờ, chúng ta sẽ thấy tên Lê Hoa nằm trong tỉnh Vân Nam. Chắc các sử gia sau này có thể tìm hiểu nguyên do vì sao một cửa ải của nước Việt Nam, địa danh ghi trong Bình Ngô Ðại Cáo, lại chạy sang bên Tầu! Người Trung Quốc đã chiếm cửa ải đó từ bao giờ?
Cũng vậy, trong cuốn “Nhật Ký Trên Biên Giới Việt Trung” của bác sĩ người Pháp P. Neis có ghi chép và chụp hình các địa điểm ở vùng Ải Nam Quan, khi phái đoàn Pháp, đi thương thuyết với chính quyền nhà Thanh Trung Quốc về biên giới, trong những năm 1885-1887 (lúc đó Pháp đang đô hộ nước ta). Nhiều địa điểm ghi trong cuốn sách trên bây giờ cũng thuộc khu tự trị Quảng Tây, Trung Quốc.
Nước mạnh nuốt nước yếu, hàng xóm lớn ép nhỏ, gậm nhấm từng miếng đất một, thế kỷ này qua thế kỷ khác.
Nhưng chưa bao giờ nước Việt Nam lại để mất những vùng hải đảo rộng lớn, bị cướp ngay trước mắt, và do một chính quyền người Việt đang cai trị một nửa nước Việt tình nguyện hiến dâng. Ðó là chủ quyền trên những hòn đảo ở Trường Sa và Hoàng Sa đã bị Trung Quốc cướp.
Người Việt sẽ không bao giờ công nhận việc Trung Quốc chiếm đóng các hòn đảo mà tổ tiên đã khai phá, sử dụng, gìn giữ từ nhiều thế kỷ trước. Hiện nay chúng ta không thể đưa vụ cướp đất này ra Tòa Án La Haye vì tòa án quốc tế chỉ xét xử các vụ tranh chấp khi nào chính phủ 2 quốc gia liên hệ đồng ý ra tòa. Chính phủ cộng sản ở Việt Nam chưa bao giờ tỏ ý muốn nhờ tòa án quốc tế xử vụ này, mà chính phủ Cộng Sản Trung Quốc thì chắc chắn không muốn. Họ đã chiếm các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, không muốn ai đụng tới. Việt Nam hiện nay cũng không đủ binh lực để đánh bại Trung Quốc ở Hoàng Sa, Trường Sa, cho nên không ai bàn tới một kế hoạch tái chiếm. Chỉ có một cách là đồng bào ta ở khắp nơi phải biểu tình phản đối và hô hào cả thế giới tẩy chay Trung Quốc về mọi phương diện, bất cứ ở chỗ nào, như người dân Tây Tạng vẫn làm. Người Tây Tạng đã tranh đấu như vậy từ nửa thế kỷ nay không nghỉ, họ chưa đạt được kết quả cụ thể nào, nhưng họ không bao giờ để cho chính quyền Cộng Sản Trung Quốc được yên thân khi còn tiếp tục chiếm đóng đất nước của họ.
Nhưng chính quyền cộng sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm về việc để mất các hòn đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa. Nếu có can đảm, các người lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam phải đứng ra công khai phản đối chính quyền Trung Quốc và dùng các biện pháp cứng rắn hơn trong các mối liên hệ giữa hai nước, từ các việc hợp tác kinh tế đến trao đổi thương mại. Trung Quốc hiện đang cần thị trường và nguyên liệu của Ðông Nam Á, để bành trường ảnh hưởng kinh tế. Việt Nam là nước đông dân nhất trong khối ASEAN, nếu chính quyền Việt Nam dám phản đối Trung Quốc thì các nước Ðông Nam Á sẽ phải ủng hộ. Phải tạo áp lực hết năm này sang năm khác, như người Tây Tạng lưu vong vẫn đang làm!
Nhưng điều đầu tiên mà chính quyền Cộng Sản Việt Nam phải làm là chính thức phủ nhận lá thư của ông Phạm Văn Ðồng gửi ông Chu Ân Lai vào năm 1958, trong đó ông Ðồng nhân danh thủ tướng nước Việt Nam tỏ ý tán thành bản tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc luôn luôn luôn vin vào lá thư này để biện minh với dư luận thế giới về chủ quyền của họ trên Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong mạng lưới của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, như vào ngày 17 Tháng Mười Một năm 2000, họ nêu lên những chứng cớ về chủ quyền của họ trên các quần đảo này (www.fmprc.gov.cn/eng/). Ngoài việc viễn dẫn các lời tuyên bố của các chính khách Anh, Nhật Bản, các văn bản sai lầm của Pháp, tài liệu của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc dành một đoạn dài nêu lên các bằng cớ do Cộng Sản Việt Nam tạo ra cho họ.
Chứng cớ đầu tiên là vào Tháng Sáu năm 1956, Thứ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam (Hà Nội) Ung Văn Khiêm đã nói với người xử lý thường vụ Tòa Ðại Sứ Trung Quốc ở Hà Nội, Li Zhimin, rằng, “theo các tài liệu của Việt Nam thì các quần đảo Tây Sa (ta gọi là Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) theo lịch sử là thuộc lãnh thổ Trung Quốc.” Ông Lê Ðốc, đứng đầu phân vụ Á Châu của Bộ Ngoại Giao Hà Nội có mặt lúc đó còn nói thêm rằng theo lịch sử các đảo trên đã thuộc Trung Quốc “từ đời nhà Tống” (Thế kỷ 10 tới 13)!
Chứng cớ hiển nhiên hơn, theo Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, là tờ nhật báo Nhân Dân ở Hà Nội, ngày 6 Tháng Chín năm 1956 đã đăng một bài đầy đủ chi tiết cả bản tuyên bố của chính phủ Trung Quốc phát hành 2 ngày trước đó. Khi cơ quan chính thức của đảng Cộng Sản Việt Nam đăng bài này, tức là họ đã công nhận các ý kiến của Trung Quốc. Lúc đó Hà Nội đang lo dập tắt các nhóm trí thức và văn nghệ đòi tự do ngôn luận Nhân Văn Giai Phẩm, đang chịu đựng các hậu quả thảm khốc của vụ Cải Cách Ruộng Ðất, và chuẩn bị việc xâm lăng miền Nam. Bản tuyên bố được báo Nhân Dân đăng lên nói rõ ràng là lãnh hải Trung Quốc bao gồm cả các quần đảo trong biển Nam Hải. Thời gian này cũng là lúc Trung Quốc đang gây căng thẳng ở vùng eo biển Ðài Loan (nhưng không bao giờ họ tiến quân đánh Ðài Loan). Ngày 14 Tháng Chín ông Phạm Văn Ðồng gửi lá thư chính thức “tán thành” quan điểm của Trung Quốc về lãnh hải.
Bằng cớ thứ ba mà Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nêu lên là các sách giáo khoa môn Ðịa Lý do nhà nước Cộng Sản Việt Nam in năm 1974, viết rằng các “hòn đảo từ quần đảo Nam Sa, Tây Sa, qua Hải Nam, Ðài Loan, là một bức trường thành bảo vệ Trung Quốc.”
Những điều trên viết trên mạng lưới của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc chỉ lập lại những điều đã được đăng trong Bắc Kinh Chu Báo (China Review) ra ngày 18 Tháng Hai năm 1980, trong đó còn nhiều chi tiết khác kể cả hình lá thư ô nhục của Phạm Văn Ðồng.
Trong tuần báo Far Eastern Economic Review xuất bản ở Hồng Kông ngày 16 Tháng Ba năm 1979, ông Lý Tiên Niệm, phó thủ tướng Trung Quốc đã khẳng định rằng các người lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đã nhường các quần đảo cho Trung Quốc. Lúc đó Trung Quốc mới đem quân san thành bình địa các thành phố Việt Nam ở biên giới. Một điều đáng chú ý là cũng trong thời gian này, chính phủ Trung Quốc tỏ ra thân thiện với Mã Lai Á và Phi Luật Tân. Trung Quốc cho biết họ sẵn sàng thảo luận với hai quốc gia này về các vụ tranh chấp chủ quyền trong các đảo Hoàng Sa và Trường Sa; nhưng Bắc Kinh tuyệt đối không nhắc nhở gì tới Việt Nam!
Một ký giả báo Far Eastern Economic Review, ông Frank Ching viết trên báo này, ngày 10 Tháng Hai năm 1994 một bài kiểm điểm lại vụ Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Chinh mỉa mai rằng Hồ Chí Minh và Cộng Sản Việt Nam đã “bán” (sell trong nguyên văn) các hòn đảo này cho Cộng Sản Trung Quốc vì họ cần Trung Quốc giúp trong việc xâm chiếm miền Nam. Frank Ching viết, “Vì nóng lòng muốn gây ra một cuộc chiến tranh tàn hại cả hai miền Nam, Bắc; và muốn đóng góp vào sự nghiệp cộng sản quốc tế, Hồ Chí Minh đã hứa hẹn, một cách mất phẩm giá (did promise, without dignity) cho Trung Quốc chiếm lấy một phần đất trong tương lai, trong lúc chưa biết rằng có nuốt được miền Nam hay không!” Trong bài báo năm 1994, Frank Ching cũng nhắc lại việc hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã tử chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974; và mỉa mai rằng trong thời chiến tranh Cộng Sản miền Bắc luôn miệng chỉ trích các chính phủ miền Nam là tay sai Mỹ, bán nước. “Bây giờ, 20 năm sau, chúng ta thấy rõ trong lúc đó chính quyền Sài Gòn đứng lên bảo vệ quyền lợi nước Việt Nam một cách mạnh mẽ hơn chính quyền ở Hà Nội!”
Về phía Cộng Sản Việt Nam, vào năm 1979 sau khi bị Trung Quốc “dậy một bài học” Phạm Văn Ðồng đã lên tiếng biện hộ cho mình, nói rằng lá thư “tán thành” của ông được ký trong lúc đang chiến tranh, “Hai nước Việt Trung rất thân thiết và tin tưởng nhau. Trung Quốc đang giúp Việt Nam hết sức. Trong hoàn cảnh đó, lãnh đạo Việt Nam ủng hộ lập trường Trung Quốc là điều cần thiết.” Ông Ðồng còn nói rằng việc ông tán thành lập trường Trung Quốc là “để chiến đấu cho độc lập và tự do của tổ quốc(!)”(Far Eastern Economic Review, 16 March 1979). Ông Nguyễn Mạnh Cầm, ngoại trưởng Việt Nam cũng lập lại lý luận của Phạm Văn Ðồng, rằng việc công nhận quan điểm của Trung Quốc là do tình thế bắt buộc! Nói như vậy bịp được dân trong nước, nhưng không thể dùng trong việc bang giao được!
Người Việt chúng ta biết, Cộng Sản ký các hiệp định quốc tế, ở Genève (1954), ở Paris 1972, trong lúc đặt bút ký đã tính mưu sau này sẽ xóa bỏ chữ ký. Nhưng chữ ký của Phạm Văn Ðồng gửi cho Chu Ân Lai còn dính mãi, không xóa được! Frank Ching, trong bài báo nêu trên, viết “một lá thư ngoại giao... không dễ đem tẩy xóa, khi một nước nhỏ như Việt Nam lại tính bầy trò lừa bịp (một nước lớn như) Trung Quốc.”
Cộng Sản Việt Nam đã bán các hòn đảo của tổ tiên để đổi lấy súng đạn đi giết đồng bào miền Nam, lấy cớ đuổi Mỹ nhưng nay lại bám lấy tư bản Mỹ để tự biến mình thành tư bản. Hãy can đảm xóa bỏ lỗi lầm cũ bằng cách phủ nhận lá thư của Phạm Văn Ðồng. Hãy lý luận rằng trong thời gian 1956 các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, vì nằm dưới vĩ tuyến 17, không thuộc thế giới cộng sản. Cho nên lá thư của ông Phạm Văn Ðồng viết đã nhường một phần đất ngoài thẩm quyền của ông ta! Các ông Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Phạm Văn Ðồng đã bán những thứ không thuộc quyền của mình, hệ quả là những lời nói và chữ ký đó không có giá trị nào cả! Ðây là một bước đầu để xin chuộc tội với dân tộc!
--------------------

Bác Ngô Nhân Dụng, Tôi xin được tiếp tay với bác để có thêm nhiều người đọc, bác nhé!
Trang Thanh Phong